4 ý tưởng xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp nhỏ ứng phó đại dịch Covid

4 ý tưởng xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp nhỏ ứng phó đại dịch Covid
5 (100%) 4 votes

Để ứng phó ảnh hưởng từ đại dịch Covid, trước tiên doanh nghiệp nhỏ cần tìm những ý tưởng kinh doanh mới. Bigsouth Agency xin gợi ý 4 ý tưởng để xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp nhỏ ứng phó đại dịch Covid-19:

Khi nói đến thiết kế thương hiệu, một số Agency chỉ đơn thuần thiết kế nhận diện thương hiệu bằng việc thiết kế đồ họa thông thường. Thực ra, logo, phông chữ và màu sắc chỉ là một phần giúp người tiêu dùng nhận diện về một thương hiệu, nhưng đó không phải là tất cả. Tóm lại, khái niệm thương hiệu đề cập đến những cảm nhận về mặt cảm tính và cả những cảm nhận lý tính của người tiêu dùng.

Mặc dù các yếu tố hình ảnh và tính nhất quán của thương hiệu đối với các doanh nghiệp nhỏ vẫn rất quan trọng, nhưng ngay tại thời điểm đang diễn ra đại dịch Covid-19 này, trước tiên doanh nghiệp cần tìm được những ý tưởng kinh doanh mới, có lẽ đây là một trong những yếu tố ưu tiên thực hiện đối với các chủ doanh nghiệp nhỏ trước khi nghĩ đến việc thiết kế thương hiệu, đặc biệt là thiết kế nhận diện thương hiệu online như thế nào.

Hãy tham khảo một số ví dụ về các doanh nghiệp đã chuyển mình thành công để duy trì khả năng tồn tại trong thời kỳ dịch đang bùng phát và thậm chí còn phát triển mạnh mẽ hơn sau đó. Những ví dụ này chắc chắn sẽ tạo ra một số ý tưởng xây dựng thương hiệu tuyệt vời cho chính doanh nghiệp của bạn.

Những ý tưởng kinh doanh nhỏ để thay đổi thương hiệu trong và sau đại dịch.

Forbes cho rằng chưa thể biết được sự bùng phát của dịch Covid sẽ thay đổi hành vi của người tiêu dùng trong dài hạn như thế nào. Ngay bây giờ, có thể dễ dàng nhận thấy rằng người tiêu dùng đã ngày càng thận trọng hơn trong việc rời khỏi nhà và trong nhiều trường hợp, tiêu tiền chẳng hạn.

Giống như Forbes, nhiều nhà tiếp thị dự đoán rằng mọi người sẽ giữ lại một số thói quen này một thời gian khá dài trong tương lai sau đợt bùng phát và bắt đầu trải qua các điều kiện bình thường hơn.

Với dự đoán này, hãy tham khảo một số ý tưởng xây dựng thương hiệu có thể giúp đẩy mạnh và quảng bá các doanh nghiệp nhỏ trong thời kỳ bùng phát dịch hiện tại và thậm chí trong tương lai.

Ý tưởng 1: Thiết lập mục tiêu xây dựng thương hiệu

Chắc chắn, doanh nghiệp của bạn tồn tại là để kiếm tiền. Ý tưởng về mục tiêu xây dựng thương hiệu đề cập đến việc thiết lập một lý do để thương hiệu của bạn tồn tại ngoài việc tạo ra lợi nhuận. Một doanh nghiệp có thể xuất phát mục đích của mình trực tiếp từ chính các loại sản phẩm hoặc dịch vụ mà chính nó cung cấp cho khách hàng. Ví dụ, một nhà trẻ tồn tại để chăm sóc trẻ em một cách xuất sắc.

Tuy nhiên, mục đích này có thể mở rộng hơn nữa đến những lý tưởng và nguyên nhân mà công ty hỗ trợ. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mọi người sẽ chi tiền của họ để ủng hộ các thương hiệu có cùng quan điểm với họ, ngay cả khi giá tiền cao hơn đôi chút. Nếu bạn có thể thiết lập mục tiêu xây dựng thương hiệu của mình bằng cả sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn cung cấp và bằng cách hỗ trợ những lý do chính đáng, bạn sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc thu hút và giữ chân khách hàng.

Đối với một số ý tưởng về mục tiêu xây dựng thương hiệu, hãy tham khảo một số các ví dụ sau đây:

  • Khi dịch bùng phát, hầu hết mọi người đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nước rửa tay trên các kệ hàng. Một số nhà máy chưng cất đã giúp phát triển thương hiệu của họ bằng cách chuyển từ việc ban đầu chỉ sản xuất rượu mạnh sang sản xuất nước rửa tay có cồn. Tùy theo nhu cầu kinh doanh riêng mà họ có thể bán, cho đi hoặc bán tặng kèm. Bằng cách này, họ có thể duy trì công việc cho nhân viên và cả nhà cung cấp, trong khi đó họ lại có thể gia tăng hình ảnh thương hiệu bằng cách cung cấp các nguồn cung cấp thiết yếu.
  • Một số công ty mỹ phẩm cũng đã chuyển sang sản xuất gel rửa tay, xịt khử khuẩn. Ngoài ra, một số thương hiệu cũng đã bắt đầu tạo ra các gói dịch vụ chăm sóc cá nhân với những sản phẩm thiết yếu như dầu gội và sữa tắm nhằm mục đích quyên góp cho Qũy trẻ em.
  • Rất nhiều thương hiệu bán sản phẩm cho trẻ em cũng đã xây dựng các video hữu ích trên kênh YouTube để hỗ trợ nhiều bậc cha mẹ hiện đang dạy con tại nhà, với những video về chủ đề giáo dục.

Trong tất cả các trường hợp nêu trên, các doanh nghiệp đã đóng góp vào nhu cầu thực tế của khách hàng. Doanh nghiệp của bạn cũng có thể đóng góp bằng cách tìm giải pháp tháo gỡ cho khách hàng hay người tiêu dùng trong hoàn cảnh hiện tại.

Ý tưởng 2: Xây dựng mối quan hệ đối tác với các thương hiệu uy tín khác.

Khi mọi việc trở nên khó khăn, có lẽ làm việc cùng nhau là cách để giảm bớt khó khăn cho nhau. Bạn có thể tìm thấy một số cách mà các doanh nghiệp nhỏ đã hợp tác với nhau vì lợi ích chung.

Ví dụ, khi tất cả các quán ăn hay nhà hàng đều đã bị đóng cửa. Tất nhiên, một số nhà hàng đã chuyển sang hình thức bán hàng mang về để có doanh thu. Cùng với đó, một số dịch vụ giao hàng nhanh ra đời, và tất nhiên cả hai đã giúp quảng bá về nhau đến với khách hàng mục tiêu.

Đối với các cửa hàng tạp hóa, họ vẫn có thể kinh doanh và nói chung đã kinh doanh nhanh chóng vì dù cho ở nhà thì mọi người vẫn có nhu cầu ăn uống. Họ thậm chí còn hợp tác với các nhà hàng hay quán ăn lân cận để kết hợp và cung cấp các bữa ăn đóng gói từ chính cửa hàng tạp hóa.

Một ví dụ khác, một số công ty hay tập đoàn đã hợp tác để cam kết quyên góp một phần doanh thu của họ cho các tổ chức từ thiện liên quan đến Covid-19. Tất cả các thương hiệu khác nhau này đã quảng bá một trang web thông báo cho công chúng về nỗ lực xứng đáng này và đồng thời, trang web từ thiện cũng thúc đẩy hoạt động kinh doanh của họ.

Ý tưởng3: Mở rộng kinh doanh sang các thị trường mới

Một số công ty nhận thấy rằng khách hàng trước đây của họ không thể sử dụng các dịch vụ hiện có của họ vào lúc này. Ví dụ, một công ty vệ sinh làm ăn thua lỗ vì nhiều khách hàng từ chối cho họ vào nhà trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Họ đã tìm thấy những khách hàng mới khi họ chuyển hướng sang cung cấp dịch vụ vệ sinh cho các tòa nhà vẫn cần mở cửa.

Mặc dù không thể bù đắp cho những khách hàng bị mất trong giai đoạn này, nhưng dù sao họ cũng đã tìm thấy một thị trường mới để giữ nhân viên làm việc. Sau khi đợt bùng phát qua đi, họ hy vọng sẽ phục hồi được những khách hàng cũ của mình và tất nhiên, giữ lại cả những khách hàng mới này.

Tương tự như vậy, một số phòng tập thể dục đã bắt đầu cung cấp các lớp học video trực tuyến tại nhà để giữ kết nối các khách hàng/ học viên của họ và thậm chí tốt hơn, khách hàng vẫn tiếp tục đăng ký mới dịch vụ của họ. Một số phòng tập thể dục này cũng chủ yếu phục vụ người lớn, nhưng họ đã mở rộng sang cung cấp các lớp học dành cho trẻ em để giúp các gia đình đối phó với vấn đề dành quá nhiều thời gian trong nhà và không hoạt động.

Như vậy, ngay cả sau khi được nới lỏng các hạn chế đối với các phòng tập thể dục này, thì một số khách hàng quen vẫn có thể thích tham gia các lớp học video trực tuyến và điều đó thậm chí có thể giúp họ tăng thêm tệp khách hàng trong tương lai.

Ý tưởng 4: Xây dựng & phát triển thương hiệu trên môi trường Internet

Khi bị buộc phải ở nhà, rất nhiều doanh nghiệp đã mất kết nối với khách hàng của họ thậm chí chỉ trong một đêm. Có vẻ trực quan rằng các công ty này nên phát triển kênh bán hàng mới, và online được xem là một trong những giải pháp tiết kiệm chi phí nhất hiện nay. Việc xây dựng thương hiệu online có thể giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh của họ trong thời gian bùng phát dịch bệnh và có thể có thêm doanh thu trong những năm tới.

Ví dụ: Việc bị đóng cửa, một cửa hàng quà tặng đã nhanh chóng đưa hoạt động kinh doanh của họ lên Internet. Trước đó, khách hàng sẽ đến trực tiếp cửa hàng, trò chuyện với bà chủ cửa hàng và thích được cô ấy tư vấn những món quà hoàn hảo. Giờ đây, họ có thể nhập câu trả lời cho hàng loạt các câu hỏi mà chủ cửa hàng đã đưa lên trên nền tảng trực tuyến.

Các lĩnh vực kinh doanh truyền thống đã nhanh chóng chuyển đổi số bằng việc xây dựng các trang web Thương mại điện tử. Các hình thức kinh doanh online này có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ tự duy trì trong thời kỳ khủng hoảng chưa từng có này.

Kết luận

Rõ ràng, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ đã phải đối mặt với những thách thức bất ngờ trong đợt bùng phát này. Nó không giống bất cứ những gì mà chúng ta đã phải đối mặt trước đây.

Như với hầu hết các cuộc khủng hoảng, các nhà kinh doanh thông minh cũng có thể tìm thấy một số ý tưởng về việc xây dựng và duy trì thương hiệu của họ, kết nối với khách hàng theo mục tiêu xây dựng thương hiệu, phát triển quan hệ đối tác với các doanh nghiệp khác, mở rộng sang kinh doanh thị trường mới và phát triển kênh bán hàng mới.

Những thay đổi này có thể xuất phát từ sự cần thiết hiện tại; tuy nhiên, rất có thể nhiều người trong số họ cũng có thể phục vụ chính doanh nghiệp của bạn bằng cách đẩy mạnh thương hiệu trong tương lai.

Dịch bởi Bigsouth Agency
Nguồn: BigEyeAgency

error: Content is protected !!